Windows Task Manager là một công cụ mạnh mẽ chứa các thông tin hữu ích, từ tổng quan lượng sử dụng tài nguyên của hệ thống cho đến thống kê chi tiết của từng chương trình. Trong bài viết này sẽ cung cấp cho các bạn cẩm nang toàn tập về Windows Task Manager với mục đích giải thích từng tính năng và các thuật ngữ ở trong công cụ Task Manager vô cùng hữu ích đối với mọi người dùng Windows nhé!
Chú ý: bài viết này sẽ tập trung vào Task Manager của Windows 10, tuy nhiên phần lớn nội dung trong đây cũng có thể được áp dụng cho Windows 7. Microsoft đã cải thiện mạnh mẽ Task Manager kể từ lúc phát hành Windows 7.
Cẩm nang toàn tập về Windows Task Manager
Cách khởi động Task Manager
Người dùng có thể khởi động Windows Task Manager bằng nhiều cách:
- Nhấn phím tắt Ctrl + Shift + Esc
- Click chuột phải vào thanh taskbar Windows và chọn “Task Manager”
- Bạn cũng có thể nhấn Ctrl + Alt +Delete rồi chọn “Task Manager” trên màn hình hoặc tìm shortcut của nó trong Start Menu
>> Đọc thêm: Hướng dẫn cách đăng xuất twitter chi tiết
Giao diện đơn giản
Khi bạn truy cập Windows Task Manager lần đầu tiên, bạn sẽ chỉ thấy một cửa số nhỏ và đơn giản hiện ra. Cửa sổ này sẽ liệt kê ra các phần mềm đang chạy trên máy tính của bạn, trừ các phần mềm chạy ngầm. Tại đây, bạn có thể chọn một phần mềm rồi bấm “End task” để tắt nó. Tính năng này vô cùng hữu dụng khi một phần mềm không phản hồi lại – nói cách khác là nó đang bị đơ – khiến bạn không thể tắt bằng cách thông thường.
Bạn cũng có thể click chuột phải vào một phần mềm trong cửa sổ này để mở thêm nhiều tùy chọn khác:
- Switch To: Dùng để chuyển qua cửa sổ của phần mềm đó, đưa ra đằng trước và đặt giữa màn hình desktop. Tính này hữu ích khi bạn không chắc chắn cửa sổ nào là của phần mềm nào.
- End Task: Tắt ứng dụng. Cái này cũng có tác dụng giống như nút “End Task”
- Run New Task: Bấm vào đây sẽ mở ra cửa sổ “Create New Task” để chọn và khởi động một phần mềm, thư mục, tài liệu hay địa chỉ website nào đó.
- Always On Top: Giữ cửa sổ Task Manager luôn nằm trên các cửa sổ khác trên desktop.
- Open File Location: Định vị file đuôi .exe của chương trình đó trong File Explorer.
- Search Online: Tra cứu tên phần mềm và file của chương trình đó trên Bing. Tính năng này sẽ giúp bạn tìm hiểu chính xác xem chương trình này là gì và chức năng của nó.
- Properties: Mở cửa sổ Properties của file đuôi .exe của chương trình đó. Tại đây bạn có thể làm nhiều thứ ví dụ như thay đổi tùy chọn tương thích và xem số hiệu phiên bản của phần mềm đó.
Trong khi Task Manager đang chạy thì bạn sẽ thấy biểu tượng Task Manager trong mục thông báo trên thanh taskbar. Nó sẽ thể hiện lượng tài nguyên CPU đang được sử dụng trong hệ thống. Bạn cũng có thể di chuột tới để xem lượng bộ nhớ, ổ đĩa và mạng đang được sử dụng, Đây là cách đơn giản để kiểm tra dung lượng CPU được sử dụng trên máy tính của bạn.
Để ẩn biểu tượng Task Manager trên thanh taskbar, chọn Options > Hide When Minimized trong giao diện đầy đủ của Task Mananger.
>> Đọc thêm: đăng xuất tài khoản google trên thiết bị khác như thế nào
Giải thích các tab của Task Manager
Để xem các công cụ nâng cao của Task Manager, hãy chọn “More Details” ở dưới đáy cửa sổ giao diện đơn giản. Bạn sẽ thấy một giao diện đầy đủ chi tiết xuất hiện. Task Manager sẽ ghi nhớ lựa chọn của bạn và sẽ tiếp tục khởi động cùng với giao diện đầy đủ trong tương lai. Nếu bạn muốn quay về giao diện đơn giản thì hãy bấm “Fewer Details”.
Khi bạn chọn giao diện đầy đủ thì sẽ có các tab dưới đây:
- Processes: Một danh sách bao gồm các ứng dụng và tiến trình đang chạy cùng với thông tin lượng sử dụng của CPU, bộ nhớ, ổ đĩa, mạng, GPU và các tài nguyên khác.
- Performance: Một biểu đồ thời gian thực thể hiện tổng lượng sử dụng CPU, bộ nhớ, ổ đĩa, mạng và GPU. Bạn cũng sẽ tìm thấy các chi tiết khác nữa, từ địa chỉ IP cho tới mẫu CPU và GPU của máy tính bạn đang dùng.
- App History: Sẽ hiện thông tin lượng tài nguyên CPU và mạng đã được các ứng dụng sử dụng cho tài khoản người dùng hiện tại của bạn. Tính năng này chỉ áp dụng cho các ứng dụng Universal Windows Platform (UWP) – nói cách khác là các ứng dụng trong cửa hàng – và không phải là phần mềm máy tính Windows thông thường (phần mềm Win32).
- Startup: Một danh sách các phần mềm tự động khởi động khi bạn mở máy tính. Bạn có thể vô hiệu hóa chức năng tự khởi động của các phần mềm đó ở đây.
- Users: Thể hiện các tài khoản người dùng hiện đang đăng nhập trên PC của bạn, lượng tài nguyên chúng đang dùng và phần mềm đang chạy.
- Details: Thể hiện thêm các thông tin chi tiết về các tiến trình đang chạy trên hệ thống. Đây cơ bản là tab “Processes” từ Task Manager trên Windows 7.
- Services: Quản lý các dịch vụ của hệ thống. Bạn cũng có thể tìm thấy các thông tin này bằng đoạn mã quản lý dịch vụ – services.msc.
Quản lý các tiến trình
Tab Processes cho ra một danh sách dễ hiểu về các tiến trình đang chạy trên hệ thống. Nếu bạn phân loại theo tên thì danh sách này sẽ chia ra thành 3 mục. Nhóm Apps sẽ hiện danh sách tên các phần mềm đang chạy giống như trong giao diện đơn giản khi bạn bấm “Fewer Details”. Hai mục khác là “Background processes” và “Windows processed”, và chúng hiện các tiến trình mà trong giao diện Task Manager đơn giản không có.
Bạn có thể click chuột phải một tiến trình để hiện ra các hành động tùy chỉnh mà bạn có thể làm:
- Expand: Vài ứng dụng như Google Chrome, có nhiều tiến trình được gộp lại thành một nhóm. Bạn có thể chọn mở rộng, click đôi vào tiến trình, hoặc click vào mũi tên ở phía bên trái để hiện ra toàn bộ từng tiến trình trong nhóm. Tùy chọn này chỉ xuất hiện khi bạn click chuột phải vào 1 nhóm tiến trình.
- Collapse: Trái ngược với Expand, bấm vào đây để thu gọn lại nhóm đã được mở rộng ở trên.
- End Task: Kết thúc tiến trình. Bạn cũng có thể chọn nút “End Task” ở dưới danh sách.
- Restart: Tùy chọn này chỉ sẽ xuất hiện khi bạn click chuột phải vào Window Explorer. Nó cho phép bạn khởi động lại explorer.exe thay vì chỉ đơn thuần là kết thúc task đó. Ở các phiên bản cũ hơn của Windows, bạn cần phải kết thúc task Explorer.exe và khởi động lại bằng cách thủ công để sửa lỗi màn hình, taskbar hoặc Start Menu của Windows. Giờ đây thì bạn chỉ cần sử dụng tùy chọn Restart này rồi.
- Resources Values: Cho phép bạn chọn xem phần trăm hoặc là giá trị chính xác của bộ nhớ, ổ đĩa và mạng. Nói cách khác thì bạn có thể chọn xem lượng dung lượng chính xác đo bằng MB hoặc là phần trăm của bộ nhớ hệ thống mà các ứng dụng đang dùng.
- Go to details: Di chuyển tới tab Details để có thể xem các thông tin kĩ thuật chi tiết.
- Create dump files: Đây là công cụ sửa lỗi dành cho các lập trình viên. Nó chụp màn hình bộ nhớ của chương trình và lưu vào ổ đĩa.
- Open file location: Mở cửa sổ vị trí của file đuôi .exe của tiến trình đã chọn.
- Search online: Tìm tên của tiến trình đó trên Bing.
- Properties: Xem cửa sổ Properties của file đuôi .exe liên kết với tiến trình đã chọn.
Bạn không nên kết thúc task trừ khi bạn biết chức năng của task đó là gì. Nhiều task chạy ngầm có chức năng quan trọng với Windows. Chúng thường có những cái tên khó hiểu, và bạn có thể cần phải tìm trên mạng xem chúng có tác dụng gì.
Tab này cũng cung cấp các thông tin về mỗi tiến trình và lượng sử dụng nguồn tài nguyên. Bạn có thể click chuột phải vào tên trên đầu danh sách và chọn những cột bạn muốn biểu hiện. Giá trị trong mỗi cột đều được tô màu, và màu cam đậm (hoặc đỏ) biểu hiện lượng sử dụng tài nguyên lớn.
Bạn có thể click chuột phải vào cột bất kì để phân loại theo từng mục ở trong đó. Phần trên của mỗi cột cũng hiện tổng lượng sử dụng tài nguyên của tất cả các tiến trình ở trong hệ thống. Kéo và thả các cột để sắp xếp lại vị trí. Các loại cột bao gồm:
- Type: Giúp phân loại các tiến trình, bao gồm: App (ứng dụng), Background process (tiến trình chạy ngầm), hoặc Windows process (tiến trình Windows).
- Status: Nếu một chương trình nào đó có dấu hiệu bị đơ thì nó sẽ ghi “Not Responding”. Các chương trình đôi khi bắt đầu phản hồi sau một khoản thời gian ngắn và đôi khi lại bị đơ. Nếu Windows treo một chương trình nào đó để tiết kiệm năng lượng thì nó sẽ hiện biểu tượng chiếc lá màu xanh trong cột này. Các ứng dụng UWP hiện đại có thể tự treo để tiết kiệm năng lượng, và Windows cũng có thể treo các ứng dụng máy tính thông thường.
- Publisher: Tên của nhà phát hành phần mềm sẽ hiện ở cột này. Ví dụ: Chrome sẽ hiện “Google Inc.” và Microsoft Word sẽ hiện “Microsoft Corperation”.
- PID: Số hiệu nhận dạng tiến trình Windows có liên kết với tiến trình đó. ID tiến trình có thể được dùng bởi các chức năng hay tiện ích hệ thống nhất định.
- Process Name: Tên của tiến trình. Ví dụ, File Explorer là explorer.exe, Microsoft Word là WINWORD.EXE, và Task Manager là Taskmgr.exe.
- Command Line: Đoạn lệnh đầy đủ để khởi động tiến trình. Nó sẽ cho bạn xem đường dẫn đầy đủ của file .exe của 1 tiến trình (ví dụ “C:\WINDOWS\Explorer.EXE”) cũng như là mọi dòng lệnh để khởi động chương trình.
- CPU: Lượng sử dụng CPU của 1 tiến trình được hiển thị dưới dạng % trên tổng lượng tài nguyên CPU bạn có.
- Memory: Hiển thị lượng bộ nhớ vật lý của hệ thống đang được sử dụng bởi các tiến trình, được hiển thị bằng MB hoặc Gb.
- Disk: Hiển thị hoạt động của tiến trình trong ổ đĩa, hiển thị dưới dạng MB/s. Nếu 1 tiến trình nào đó đang không đọc hoặc ghi vào ổ đĩa thì nó sẽ hiển thi là 0 MB/s.
- Network: Hiển thị lượng sử dụng tài nguyên mạng sử dụng bởi 1 tiến trình, hiển thị bằng Mbps.
- GPU: Hiển thị lượng sử dụng GPU (đơn vị xử lí đồ họa) được dùng bởi 1 tiến trình, hiển thị dưới dạng % của tài nguyên GPU hiện có.
- GPU Engine: Thiết bị và động cơ GPU được 1 tiến trình sử dụng. Nếu bạn có nhiều GPU trong hệ thống thì nó sẽ hiển thị tiến trình này đang sử dụng GPU nào. Xem tab Performance để coi số thứ tự (“GPU 0” hoặc “GPU 1”) nào được liên kết với GPU vật lý nào.
- Power Usage: Ước lượng mức sử dụng năng lượng của 1 tiến trình, dựa trên hoạt động CPU, ổ đĩa và GPU hiện tại. Ví dụ, nếu 1 tiến trình không sử dụng nhiều tài nguyên thì nó sẽ hiện là “Very low”, còn nếu sử dụng nhiều tài nguyên thì ghi là “Very high”. Nếu mức sử dụng năng lượng cao thì nghĩa là nó đang sử dụng nhiều điện năng hơn và làm giảm đi tuổi thọ của pin nếu bạn đang sử dụng laptop.
- Power Usage Trend: Ước lượng sự tác động lên mức sử dụng năng lượng trong 1 khoảng thời gian. Ví dụ 1 chương trình thông thường hay ngốn nhiều năng lượng nhưng hiện tại thì không, nó sẽ ghi là “Very low” trong cột Power Usage nhưng lại ghi “High” hoặc “Moderate” trong cột Power Usage Trend.
Khi bạn click chuột phải vào tiêu đề các cột, bạn cũng sẽ thấy menu “Resource Values”. Tùy chọn này cũng sẽ xuất hiện khi bạn click chuột phải vào mỗi tiến trình riêng biệt. Bấm vào đây để tùy chỉnh cách hiển thị giá trị của tất cả các tiến trình.
Menu tùy chỉnh của Task Manager
Trong thanh menu của Task Manager có các tùy chọn hữu ích như sau:
- File > Run New Task: Khởi động một chương trình, thư mục, tài liệu, hoặc tài nguyên mạng bằng cách cung cấp địa chỉ web. Bạn cũng có thể tick vào ô “Create this task with administrative privileges” để khởi động chương trình với quyền Administrator.
- Options > Always on Top: Khi bật tùy chọn này thì cửa sổ Task Manager sẽ luôn nằm trên cùng các cửa sổ khác.
- Options > Minimize on Use: Task Manager sẽ tự động thu nhỏ xuống thanh taskbar mỗi khi bạn click vào 1 tiến trình và chọn “Switch to”.
- Options > Hide When Minimized: Task Manager sẽ tiếp tục chạy ngầm trong khu vực thông báo của thanh Taskbar mỗi khi bạn nhấn nút thu nhỏ.
- View > Refresh Now: Refresh lại dữ liệu hiển thị trong Task Manager ngay lập tức.
- View > Update Speed: Chọn tần suất update dữ liệu trong Task Manager: High, Medium, Low, hoặc Paused. Khi chọn Paused thì dữ liệu sẽ không tự động update cho tới khi bạn chọn tần suất cao hơn hoặc click “Refresh Now”.
- View > Group by Type: Khi bật tùy chọn này thì các tiến trình trong tab Processes được gộp thành 3 nhóm: Apps, Background Processes, và Windows Processes. Nếu tắt đi thì chúng sẽ được xếp lộn xộn.
- View > Expand All: Mở rộng tất cả các nhóm tiến trình trong danh sách. Ví dụ, Google Chrome sử dụng nhiều tiến trình, và chúng được gộp lại vào nhóm “Google Chrome”. Bạn có thể mở rộng bằng cách bấm vào hình mũi tên nằm bên trái của các nhóm tiến trình.
- View > Collapse All: Thu hồi lại các nhóm tiến trình trong danh sách. Ví dụ, tất cả tiến trình của Google Chrome sẽ chỉ ở trong mục Google Chrome.
Xem thông tin hiệu suất (Performance)
Tab Performance cung cấp các biểu đồ thời gian thực thể hiện mức sử dụng tài nguyên hệ thống như là CPU, bộ nhớ, ổ đĩa, mạng, và GPU. Nếu bạn có nhiều ổ đĩa, thiết bị mạng hay GPU thì chúng sẽ được biểu hiện riêng từng cái.
Bạn sẽ thấy các biểu đồ nhỏ ở bên tay trái, bấm vào mỗi cái để xem biểu đồ lớn hơn ở bên tay phải. Biểu đồ này cho thấy mức sử dụng tài nguyên trong vòng 60 giây vừa qua.
Ngoài ra, tab Performance còn cho biết thông tin phần cứng hệ thống:
- CPU: Hiển thị tên và số hiệu CPU của bạn, tốc độ và số nhân của nó. Nó còn hiển thị thời gian “uptime” của hệ thống, nghĩa là khoảng thời gian máy bạn đã chạy kể từ khi được bật lên.
- Memory: Hiển thị mức RAM bạn có, tốc độ của nó và số lượng khe RAM đang được sử dụng. Bạn cũng có thể xem lượng bộ nhớ bị lấp đầy bởi dữ liệu đệm. Dữ liệu này sẽ được sẵn sàng sử dụng nếu hệ thống của bạn cần đến nó, nhưng Windows sẽ tự động xóa dữ liệu đệm và giải phóng bộ nhớ nếu hệ thống cần thêm bộ nhớ để chạy task khác.
- Disk: Tên và số hiệu của ổ đĩa của bạn, kích cỡ và tốc độ đọc và ghi hiện tại.
- Wi-Fi hoặc Ethenet: Windows sẽ hiển thị tên và địa chỉ IP của adapter mạng.
- GPU: Hiển thị các biểu đồ khác nhau cho các loại hoạt động khác nhau. Ví dụ, 3D với encode hoặc decode video. GPU có bộ nhớ riêng của nó, vì thế nó còn biểu hiện mức sử dụng bộ nhớ GPU. Bạn cũng có thể thấy tên và mã hiệu của GPU của bạn và phiên bản driver của nó tại đây.
Bạn cũng có thể thu nhỏ cửa sổ tab Performance lại nếu bạn muốn nó hiển thị mọi lúc trên màn hình máy tính. Bạn chỉ cần click đôi vào bất kì chỗ trống nào ở bảng điều khiển bên phải, và tab Performance sẽ được thu nhỏ thành 1 cửa sổ luôn nằm ở trên các cửa sổ khác. Bạn cũng có thể click phải vào biểu đồ và chọn “Graph Summary View” để kích hoạt chế độ này.
Nút “Open Resource Monitor” ở dưới cùng dùng để mở công cụ Resource Monitor, có tác dụng cung cấp thêm các thông tin chi tiết về mức sử dụng GPU, bộ nhớ, ổ đĩa và mạng của từng tiến trình riêng biệt.
Thăm dò App History
Tab App History chỉ áp dụng cho các ứng dụng Universal Windows Platform (UWP). Nó không hiện thông tin về các ứng dụng máy tính Windows thông thường, vì thế nó cũng không quá hữu ích với nhiều người.
Ở phần trên cùng cửa sổ, bạn sẽ thấy ngày Windows bắt đầu thu thập dữ liệu sử dụng tài nguyên. Danh sách này hiển thị các ứng dụng UWP và thời gian hoặc động CPU và mạng được sử dụng bởi các ứng dụng kể từ ngày đó. Bạn có thể click chuột phải vào tiêu đề để kích hoạt thêm vài tùy chọn giúp tìm hiểu rõ hơn về hoạt động kết nối mạng:
- CPU Time: Lượng thời gian CPU mà chương trình đã sử dụng trong khung thời gian này.
- Network: Tổng lượng dữ liệu được truyền tải qua mạng bởi các phần mềm trong khung thời gian này.
- Metered Network: Tổng lượng dữ liệu được truyền tải qua mạng Metered Network. Bạn có thể cài đặt chọn metered network để có thể lưu dữ liệu trên đó. Tùy chọn này dùng cho kết nối mạng bị giới hạn dung lượng, như mạng điện thoại.
- Tile Updates: Lượng dữ liệu mà phần mềm đã tải để hiển thị live tile đã được update trên Start Menu của Windows 10.
- Non-metered Network: Lượng dữ liệu được truyền tải qua mạng non-metered network.
- Downloads: Lượng dữ liệu được tải xuống bởi các phần mềm.
- Uploads: Lượng dữ liệu được tải lên bởi các phần mềm.
Quản lý các phần mềm Startup (Tự động khởi động khi bật máy tính)
Tab Startup là công cụ quản lý các phần mềm startup (phần mềm tự động chạy khi bật máy) của Windows 10. Nó liệt kê ra tất cả phần mềm tự động chạy khi bạn đăng nhập vào tài khoản người dùng.
Để vô hiệu hóa một phần mềm startup, click chuột phải vào nó và chọn Disable hoặc bấm nút Disable nằm ở dưới danh sách. Để tái kích hoạt thì bấm nút Enable. Bạn cũng có thể dùng Settings > Apps > Startup Interface để quản lý các phần mềm startup.
Trên góc phải của cửa sổ, bạn sẽ thấy dòng “Last BIOS time” trên một vài hệ thống. Nó sẽ hiển thị lượng thời gian cần thiết để BIOS của bạn khởi động phần cứng trong lần khởi động PC gần đây nhất.
Như các tab khác, bạn cũng có thể click chuột phải vào tiêu đề cột bất kì để thêm các cột khác vào:
- Name: Hiển thị tên của phần mềm
- Publisher: Tên nhà phát hành phần mềm.
- Status: Nếu phần mềm nào được phép tự khởi động khi bật máy tính thì sẽ được ghi là “Enabled”. Còn nếu đã vô hiệu hóa thì sẽ ghi “Disabled”.
- Startup Impact: Ước lượng mức sử dụng tài nguyên CPU và ổ đĩa của phần mềm. Phần mềm nhẹ thì sẽ hiển thị là “Low” còn phần mềm nặng là “High”. Phần mềm đã bị vô hiệu hóa thì sẽ ghi là “None”. Bạn có thể tăng tốc độ khởi động máy bằng cách vô hiệu hóa phần mềm với mức “High” thay vì phần mềm mức “Low”.
- Startup Type: Hiển thị loại startup do “Registry” hay do nằm trong thư mục startup (“Startup”).
- Disk I/O at Startup: Đo lường hiệu năng của phần mềm trên ổ đĩa khi được khởi động, được hiển thị dưới dạng MB. Windows đo và lưu lại
- CPU at Startup: Thời gian CPU tiêu tốn để một phần mềm khởi động khi bật máy, hiển thị dưới dạng ms.
- Running Now: Nếu 1 phần mềm startup đang chạy thì ở đây sẽ ghi “Running”. Nếu là ô trống thì có nghĩa là phần mềm này đã bị tắt.
- Disabled Time: Nếu bạn đã vô hiệu hóa một phần mềm startup thì ngày giờ lúc bạn vô hiệu hóa sẽ được ghi ở đây.
- Command Line: Cột này hiển thị đầy đủ đường dẫn của phần mềm startup.
Kiểm tra người dùng (Users)
Tab Users hiển thị danh sách các người dùng đã đăng nhập vào máy và các tiến trình đang chạy của họ. Nếu bạn là tài khoản duy nhất đăng nhập vào máy tính tính thì nó sẽ chỉ hiển thị tài khoản của bạn thôi. Nếu người dùng khác đã đăng nhập vào và khóa phiên làm việc của họ lại nhưng vẫn chưa đăng xuất thì ở đây sẽ ghi là “Disconnected”. Tab này cũng sẽ hiển thị lượng CPU, bộ nhớ, ổ đĩa, mạng, và các tài nguyên hệ thống khác được sử dụng bởi các phần mềm đang chạy dưới mỗi tài khoản người dùng Windows khác nhau.
Bạn có thể ngắt kết nối một tài khoản bằng cách click chuột phải vào và chọn “Disconnect” hoặc đăng xuất bằng cách click chuột phải và chọn “Sign Off”. Tùy chọn “Disconnect” sẽ ngắt kết nối tài khoản với máy tính, nhưng các phần mềm vẫn còn chạy và người dùng có thể đăng nhập vào lại để sử dụng tiếp. Còn “Sign Off” sẽ tắt hết tất cả tiến trình, giống như đang xuất ra khỏi máy tính vậy.
Tại đây bạn cũng có thể quản lý tiến trình của các tài khoản người dùng khác.
Nếu bạn click chuột phải vào tiêu đề của cột bất kì, bạn sẽ thấy các loại cột như sau:
- ID: Mỗi tài khoản được đăng nhập vào thì sẽ có số ID riêng của nó. Số “0” để chỉ các dịch vụ của hệ thống. Bạn không cần phải để ý tới những con số này nên theo mặc định thì cột này sẽ được ẩn đi.
- Session: Hiển thị loại phiên làm việc. Nếu nó ghi là “Console” thì nghĩa là nó đang truy cập vào hệ thống nội bộ của bạn. Tính này chủ yếu sử dụng cho các hệ thống máy chủ điều khiển máy tính từ xa.
- Client Name: Nếu đang điều khiển máy tính từ xa thì tên hệ thống khách hàng đang truy cập vào máy sẽ được hiện ở đây.
- Status: Tình trạng của phiên làm việc. Ví dụ, nếu một người dùng đã khóa phiên làm việc của họ lại thì ở đây sẽ ghi là “Disconnected”.
- CPU: Tổng lượng CPU đang được sử dụng bởi các tiến trình của người dùng.
- Memory: Tổng lượng bộ nhớ đang được sử dụng bởi các tiến trình của người dùng.
- Disk: Tất cả hoạt động trên ổ đĩa của tiến trình người dùng.
- Network: Tất cả hoạt động mạng của tiến trình người dùng.
Quản lý chi tiết các tiến trình (tab Details)
Đây là tab chi tiết nhất của Task Manager. Nó giống như tab Processes nhưng lại cung cấp nhiều thông tin chi tiết và hiển thị các tiến trình từ tất cả tài khoản người dùng trong hệ thống của bạn. Nếu bạn đã sử dụng Task Manager trên Windows 7 rồi thì bạn cũng sẽ quen với tab này thôi; nó giống như là tab Processes của Windows 7.
Bạn có thể click chuột phải vào tiến trình bất kì để mở ra các tùy chọn như sau:
- End Task: Kết thúc tiến trình. Tùy chọn này cũng có tác dụng giống như trong tab Processes.
- End Process Tree: Kết thúc tiến trình, và tất cả các tiến trình do nó tạo ra.
- Set priority: Thiết lập quyền ưu tiên cho tiến trình: Low, Below Normal, Normal, Above Normal, High, và Realtime. Các tiến trình khi được khởi động thì sẽ được thiết lập ở mức normal. Với các phần mềm chạy ngầm thì nên để quyền ưu tiên thấp hơn, còn các tiến trình hoạt động trên màn hình máy tính thì nên để ưu tiên cao hơn. Tuy nhiên, Microsoft khuyến cáo là không nên động vào quyền ưu tiên Realtime.
- Set affinity: Phân chia lõi bộ xử lý cho một tiến trình nhất định – nói cách khác là chỉ định tiến trình nào chạy trên lõi nào. Theo mặc định thì các tiến trình sẽ chạy trên tất cả các lõi xử lý trong hệ thống.
- Analyze wait chain: Giúp bạn xác định được nguyên nhân tại sao ứng dụng không phải hồi. Tính năng này cho biết tiến trình nào đang đợi để sử dụng tài nguyên đang được dùng với tiến trình khác.
- UAC virtualization: Kích hoạt hoặc vô hiệu hóa chức năng kiểm soát tài khoản người dùng (UAC) cho 1 tiến trình nào đó. Đây là tính năng bảo mật của Windows giúp ngăn chặn những thay đổi trái phép đối với hệ điều hành.
- Create dump file: Chụp ảnh màn hình bộ nhớ của phần mềm và lưu vào ổ đĩa. Đây là công cụ sửa lỗi hữu ích cho các nhà phát triển.
- Open file location: Mở vị trí file .exe của tiến trình.
- Search online: Tìm tên tiến trình bằng công cụ tìm kiếm Bing.
- Properties: Mở cửa số properties của file .exe của tiến trình.
- Go to service(s): Hiển thị các dịch vụ liên kết với tiến trình trong tab Services. Đặc biệt hữu dụng với các tiến trình svchost.exe.
Nếu bạn click chuột phải vào tiêu đề cột bất kì và chọn “Select Columns”, bạn sẽ thấy một danh sách dài hơn chứa các tùy chọn khác dành cho bạn:
- Package name: Đối với các ứng dụng UWP thì ở đây sẽ hiển thị tên của các gói ứng dụng chứa các tiến trình. Còn đối với các ứng dụng khác thì cột này sẽ để trống. Ứng dụng UWP thường được phân phối qua Microsoft Store.
- PID: Số ID riêng biệt được gán cho một tiến trình. Số này được liên kết với một tiến trình chứ không phải phần mềm, vậy nên nếu bạn tắt và bật lại một phần mềm nào đó thì tiến trình mới của phần mềm đó sẽ mang một số ID mới.
- Status: Hiển thị một tiến trình đang chạy hay đang bị treo để tiết kiệm năng lượng. Windows 10 sẽ luôn luôn treo ứng dụng UWP nếu bạn không đang sử dụng để tiết kiệm tài nguyên hệ thống.
- User name: Tên của tài khoản người dùng đang chạy tiến trình. Bạn sẽ thấy tên tài khoản hệ thống ở đây như là SYSTEM và LOCAL SERVICE.
- Session ID: Hiển thị số ID riêng biệt được liên kết với phiên làm việc đang chạy tiến trình.
- Job object ID: Có tác dụng gộp các tiến trình lại thành 1 nhóm để có thể quản lý theo từng nhóm khác nhau.
- CPU: Phần trăm lượng tài nguyên CPU đang được sử dụng trên tổng các CPU. Nếu không có phần mềm nào sử dụng thời gian CPU thì Windows sẽ ghi là System Idle Process đang sử dụng nó. Nói cách khác thì nếu System Idle Process đang sử dụng 90% tài nguyên CPU thì có nghĩa là tất cả các tiến trình khác trong hệ thống đang sử dụng 10%, còn 90% còn lại là đang nghỉ.
- CPU time: Tổng thời gian của bộ xử lý (tính bằng giây) được sử dụng bởi tiến trình kể từ lúc bắt đầu. Nếu đóng và restart tiến trình đó lại thì thời gian này sẽ được reset.
- Cycle: Phần trăm của các chu kì CPU được các tiến trình sử dụng trên tổng các CPU. Microsoft không giải thích sự khác biệt giữa cột này với cột CPU, nhưng về cơ bản là cùng một thông tin số liệu nhưng lại được đo bằng cách khác.
- Working set (memory): Lượng bộ nhớ vật lý đang được tiến trình sử dụng.
- Peak working set (memory): Lượng bộ nhớ vật lý tối đa đã được tiến trình sử dụng.
- Memory (active private working set): Lượng bộ nhớ vật lý chỉ dành cho 1 tiến trình nào đó sử dụng. Cột này không hiển thị dữ liệu từ các tiến trình UWP đã bị treo.
- Memory (private working set): Lượng bộ nhớ vật lý chỉ dành cho 1 tiến trình nào đó sử dụng. Cột này có hiển thị dữ liệu từ các tiến trình UWP đã bị treo.
- Memory (shared working set): Lượng bộ nhớ vật lý dành cho 1 tiến trình nhưng các tiến trình khác cũng có thể sử dụng khi cần thiết.
- Commit size: Lượng bộ nhớ ảo mà Windows dự trữ cho tiến trình.
- Paged pool: Tổng dung lượng Page File (bộ nhớ ảo) mà các thành phần cốt lõi của Windows sử dụng.
- NP pool: Tổng dung lượng RAM mà các thành phần cốt lõi của Windows sử dụng.
- Page faults: Hiển thị số lỗi trang tạo ra bởi tiến trình kể từ lúc được khởi động. Lỗi này xảy ra khi một chương trình cố gắng truy cập dữ liệu trong một page chưa được xác định.
- PF Delta: Sự thay đổi số lỗi trang (page faults) kể từ lần cuối refresh.
- Base priority: Quyền ưu tiên của tiến trình, ví dụ như là Low, Normal hoặc High.
- Handles: Đây là một giá trị dùng để xác định duy nhất một tài nguyên , ví dụ như một file hay một Registry key, để một chương trình truy xuất nó.
- Threads: Là một đối tượng bên trong của tiến trình. Nó chạy những chỉ dẫn chương trình cho phép thực hiện đồng thời những hoạt động bên trong một tiến trình.
- User objects: Số lượng đối tượng quản lý Windows được dùng bởi tiến trình. Bao gồm: các cửa sổ, menu và con trỏ.
- GDI objects: Số lượng đối tượng Graphics Device Interface được dùng bởi tiến trình. Được dùng để vẽ giao diện người dùng.
- I/O reads: Số lượng các tác vụ đọc được thực hiện bởi tiến trình kể từ lúc khởi động. I/O viết tắt cho Input/Output. Cái này bao gồm file, mạng và thiết bị input/output.
- I/O writes: Số lượng các tác vụ ghi được thực hiện bởi tiến trình kể từ lúc khởi động.
- I/O other: Số lượng các tác vụ ngoài việc đọc hoặc ghi được thực hiện bởi tiến trình kể từ lúc được khởi động. Ví dụ là các chức năng điều khiển.
- I/O read bytes: Tổng số bytes đã được tiến trình đọc kể từ lúc khởi động.
- I/O write bytes: Tổng số bytes đã được tiến trình ghi kể từ lúc khởi động.
- I/O other bytes: Tổng số bytes dùng cho các tác vụ ngoài đọc hoặc viết kể từ lúc tiến trình được khởi động.
- Imagine path name: Đường dẫn đầy đủ của file .exe của tiến trình
- Command line: Dòng lệnh chính xác được khởi động cùng với tiến trình, bao gồm file .exe và bất cứ biến số dòng lệnh nào.
- Operation system context: Hệ điều hành tối thiểu tương thích với phần mềm.
- Platform: Hiển thị đây là tiến trình 32-bit hoặc 64-bit.
- Elevated: Để xem tiến trình đang chạy có cần quyền Administrator hay không. Bạn sẽ thấy ghi “Yes” hoặc “No” ở mỗi tiến trình.
- UAC virtualization: Hiển thị xem chức năng ảo hóa của UAC đã được bật cho tiến trình hay chưa. Tính năng này ảo hóa sự truy cập phần mềm thành registry và file hệ thống, cho phép phần mềm được thiết kế dành cho phiên bản Windows cũ hơn hoạt động mà không cần quyền Administrator. Các tùy chọn bao gồm Enabled, Disabled và Not Allowed cho các tiến trình yêu cầu quyền truy cập hệ thống.
- Description: Phần mô tả của tiến trình từ file .exe. Ví dụ, chrome.exe có tên mô tả là “Google Chrome”, và explorer.exe có tên là “Windows Explorer”.
- Data execution prevention: Hiển thị xem tính năng Ngăn chặn thực thi dữ liệu (DEP) đã được bật hay chưa.
- Enterprise context: Hiển thị bối cảnh doanh nghiệp của một ứng dụng đang chạy.
- Power throttling: Hiển thị xem tính năng Power throttling đã được bật hay chưa. Tính năng này giới hạn các ứng dụng chạy nền ngốn pin thiết bị, nhằm kéo dài tuổi thọ pin.
- GPU: Phần tram tài nguyên GPU được tiến trình sử dụng.
- GPU engine: Động cơ GPU đang được tiến trình sử dụng, nói cách khác là động cơ GPU nào đang được tiến trình sử dụng nhiều nhất. Xem thông tin GPU ở trong tab Performance để tìm danh sách các GPU và động cơ của chúng.
- Dedicated GPU memory: Tổng lượng bộ nhớ GPU đang được tiến trình sử dụng trên tất cả các GPU. GPU có bộ nhớ đồ họa riêng biệt được cài đặt trong từng cái GPU.
- Shared GPU memory: Tổng lượng bộ nhớ hệ thống được chia sẻ với GPU đang được tiến trình sử dụng. Đây chính là dữ liệu được lưu trữ trong bộ nhớ RAM của hệ thống được chia sẻ với GPU, chứ không phải là dữ liệu được lưu trữ trong bộ nhớ riêng biệt của GPU.
Tìm hiểu về tab Services
Tab Services hiển thị một danh sách các dịch vụ của hệ thống trên hệ điều hành Windows của bạn. Chúng là những tác vụ chạy ngầm kể cả khi không có tài khoản người dùng nào đăng nhập. Chúng được quản lý bởi hệ điều hành Windows. Dựa vào từng dịch vụ mà chúng có thể tự động chạy khi máy tính khởi động hoặc là chỉ chạy khi cần thiết.
Nhiều dịch vụ là một phần của hệ thống Windows 10 luôn. Ví dụ như dịch vụ Windows Update có nhiệm vụ tải bản update, còn dịch vụ Windows Audio chịu trách nhiệm về phần âm thanh. Các nhiệm vụ khác thì được cài bởi phần mềm thứ 3. Ví dụ các dịch vụ của NVIDIA là thuộc về driver đồ họa.
Bạn không nên vọc vạch các dịch vụ này trừ khi bạn biết mình đang làm gì. Tuy nhiên, nếu bạn click chuột phải vào chúng thì bạn sẽ thấy các tùy chọn như là Start, Stop hoặc Restart dịch vụ đó. Bạn cũng có thể chọn Search Online để thực hiện tìm kiếm thông tin về dịch vụ đó qua Bing, hoặc chọn “Go to details” để hiển thị các tiến trình có liên kết với dịch vụ đang chạy trong tab Detail. Nhiều dịch vụ sẽ có tiến trình “svchost.exe” liên kết với chúng.
Trong tab Services sẽ có các cột như sau:
- Name: Tên ngắn gọn của dịch vụ.
- PID: Số ID của tiến trình có liên kết với dịch vụ.
- Description: Tên dài hơn có chức năng cung cấp thêm thông tin về dịch vụ.
- Status: HIển thị trạng thái dịch vụ đó đang là “Stopped (Dừng)” hay “Running (Đang chạy)”
- Group: Hiển thị các nhóm nhiệm vụ, nếu có. Khi khởi động máy thì Windows sẽ tải từng nhóm dịch vụ một. Một nhóm dịch vụ nghĩa là một bộ các dịch vụ tương đồng với nhau được gộp thành 1 nhóm.
Để tìm thêm thông tin về các dịch vụ này, click đường link “Open Services” ở dưới danh sách.